Đấu thầu là chủ đề không còn xa lạ gì đối với nhiều người, thế nhưng để hiểu rõ về đấu thầu hay quy trình chỉ định thầu thông thường thế nào thì chắc chưa mấy người hiểu rõ được. Vậy sau đây bạn hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về quy trình chỉ định thầu thông thường chi tiết từ A đến Z ở bài viết dưới đây.
Chỉ định thầu thông thường được hiểu là gì?
Để hiểu rõ về quy trình chỉ định thầu thông thường thì chúng ta cần phải làm rõ về khái niệm đấu thầu và chỉ định thầu là gì?
Đấu thầu là gì?
Đấu thầu chính là quá trình lựa chọn ra nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp về dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, về mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn được nhà đầu tư để ký kết và thực hiện hợp đồng các dự án đầu tư theo hình thức là đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm về cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế
Khái niệm chỉ định thầu
Chỉ định thầu là 1 trong 8 hình thức đấu thầu tại Việt Nam được quy định tại Mục 1 Chương 2 Luật Đấu thầu năm 2013 về hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
Hình thức này giúp đảm bảo với các dự án cấp thiết, cần phải hoàn thiện nhanh và với các dự án thuộc bí mật quốc gia.
Quyết định chỉ định thầu là hình thức đấu thầu mà bên mời thầu thực hiện lựa chọn (chọn trực tiếp) nhà thầu. Nhà thầu này đáp ứng các yêu cầu của gói thầu, được mời để thương thảo hợp đồng trực tiếp mà không cần phải qua thông giai đoạn đấu thầu.
Trong chỉ định thầu sẽ có 2 loại đó là chỉ định thầu thông thường và chỉ định thầu rút gọn.
Quy trình chỉ định thầu thông thường chi tiết theo nghị định 63
Theo Điều 55 của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành 1 số điều của luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu quy định quy trình chỉ định thầu thông thường như sau:
Bước 1: Chuẩn bị để lựa chọn nhà thầu
Lập hồ sơ yêu cầu: Việc lập hồ sơ yêu cầu cần phải căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Nội dung hồ sơ yêu cầu gồm các thông tin tóm tắt về dự án, gói thầu; chỉ dẫn việc chuẩn bị và nộp hồ sơ đề xuất; các tiêu chuẩn về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu; tiêu chuẩn để đánh giá về kỹ thuật và xác định giá chỉ định thầu. Sử dụng tiêu chí đạt, không đạt để đánh giá năng lực, kinh nghiệm và đánh giá về kỹ thuật;
Thẩm định, phê duyệt hồ sơ yêu cầu và xác định nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu:
Hồ sơ yêu cầu cần phải được thẩm định theo quy định tại Điều 105 của Nghị định này trước khi phê duyệt;
Việc phê duyệt hồ sơ yêu cầu cần phải bằng văn bản và căn cứ vào tờ trình phê duyệt, báo cáo thẩm định hồ sơ yêu cầu;
Nhà thầu được xác định để nhận hồ sơ yêu cầu có tư cách hợp lệ theo quy định tại các Điểm a, b, c, d, e, h Khoản 1 Điều 5 của Luật Đấu thầu năm 2013 có đủ năng lực và kinh nghiệm thực hiện gói thầu.
Bước 2: Tổ chức về lựa chọn nhà thầu
Hồ sơ phát hành cho nhà thầu đã được xác định;
Nhà thầu chuẩn bị, nộp hồ sơ đề xuất theo yêu cầu của hồ sơ yêu cầu.
Bước 3: Đánh giá hồ sơ đề xuất và các thương thảo về các đề xuất của nhà thầu
Việc đánh giá hồ sơ đề xuất phải thực hiện theo tiêu chuẩn đánh giá quy định trong hồ sơ yêu cầu. Trong quá trình đánh giá, bên mời thầu sẽ mời nhà thầu đến thương thảo, làm rõ hoặc là sửa đổi, bổ sung các nội dung thông tin cần thiết của hồ sơ đề xuất nhằm chứng minh đáp ứng của nhà thầu theo yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, khối lượng, tiến độ, chất lượng, giải pháp kỹ thuật và biện pháp tổ chức thực hiện gói thầu;
Nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu khi mà đáp ứng đầy đủ các điều kiện: Có hồ sơ đề xuất hợp lệ; có năng lực, kinh nghiệm, đề xuất kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu của hồ sơ yêu cầu; có giá đề nghị chỉ định thầu không vượt dự toán của gói thầu được duyệt.
Bước 4: Trình, thẩm định; phê duyệt và công khai kết quả chỉ định thầu theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.
Bước 5: Hoàn thiện và tiến hành ký kết hợp đồng
Hợp đồng ký giữa các bên phải phù hợp với quyết định đã được phê duyệt kết quả chỉ định thầu, biên bản thương thảo hợp đồng, hồ sơ đề xuất, hồ sơ yêu cầu cùng với các tài liệu liên quan khác.
Trên đây là những thông tin về quy trình chỉ định thầu thông thường chi tiết từ A đến Z để bạn có thể tham khảo. Từ đó chủ đầu tư, bên mời thầu có trách nhiệm thực hiện quy trình chỉ định thầu đúng theo quy định của pháp luật, đảm bảo nhà thầu được lựa chọn có đủ năng lực, kinh nghiệm và giải pháp kỹ thuật khả thi đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tiến độ, hiệu quả, tuyệt đối không để xảy ra vấn đề thất thoát, lãng phí trong quá trình thực hiện.